Trận đánh then chốt tại thị xã Buôn Ma Thuột và những thời khắc không quên
Bởi từng sống và chiến đấu tại Buôn Ma Thuột, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi hiện đang sống tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3, mặt trận Tây Nguyên) luôn xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở tuổi 73, nhưng ký ức thời hoa lửa của hơn 50 năm về trước vẫn luôn in sâu trong tâm khảm người lính trên chiến trường Tây Nguyên năm nào…
Tròn tuổi 18, chàng trai Nguyễn Đình Thi bắt đầu nhập ngũ vào Trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3). Từng kinh qua nhiều nhiệm vụ, nhiều đơn vị, nhiều chiến trường nên kỷ niệm, ký ức của ông về chiến tranh dày dặn theo năm tháng. Trong số đó có trận đánh then chốt tại thị xã Buôn Ma Thuột (vào ngày 10 và 11/3/1975), tạo bước ngoặt quan trọng trên toàn chiến trường, thúc đẩy nhanh việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi (bìa phải) cùng đồng đội tham gia lễ giỗ trận tri ân các liệt sĩ Sư đoàn 10. Ảnh: NVCC |
Năm 1975, từ cán bộ tuyên huấn phụ trách công tác tuyên truyền của Trung đoàn 24, ông được điều đồng xuống đơn vị cơ sở, trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu với vai trò mới là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 24.
“Hằng năm, cựu chiến binh Quân đoàn 3, từ Bắc - Trung - Nam đều cố gắng thu xếp về tề tựu tại Buôn Ma Thuột. Bởi nơi này như quê hương thứ hai. Nơi đây có khoảng 320 liệt sĩ của Sư đoàn đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk và mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức lễ giỗ trận để tri ân những đồng đội đã ngã xuống” - cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi. |
Tiểu đoàn 4 khi ấy là một trong 5 mũi tấn công trọng yếu của quân ta trong trận đánh Buôn Ma Thuột, được trang bị 8 xe tăng, 8 xe bọc thép với nhiệm vụ hết sức nặng nề là đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của địch. Đây là mục tiêu quan trọng nhất, quyết định việc thắng thua trong trận đánh này. Chiếm được Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, quân ta mới có cơ hội toàn thắng Buôn Ma Thuột.
Ngay trong đêm 9/3, rạng sáng 10/3, đội hình Tiểu đoàn 4 đã bắt đầu thực thi nhiệm vụ, dũng mãnh xung phong, đánh vào căn cứ địch. Do đây là Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, là cơ quan chỉ huy đầu não của địch nên chúng bố trí phòng thủ rất vững chắc với nhiều lô cốt, hầm hào, chướng ngại vật, vũ khí hiện đại. Ông bồi hồi: “Đội hình Tiểu đoàn 4 khi ấy vấp phải sự chống trả quyết liệt từ phía địch. Nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu. Ngay cả khi Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh hy sinh, Tiểu đoàn phó Bùi Văn Bịn bị thương và gần 100 đồng đội khác thương vong, thì đội hình Tiểu đoàn 4 cũng không sờn lòng, không nhụt chí…”.
Cũng trong ngày 10/3, cả 5 mũi tấn công của quân ta đã áp sát Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi. Chiến thắng ấy góp phần giáng một đòn chí mạng vào quân địch ở Tây Nguyên, đẩy chúng vào thế bị động, phải vội vã rút chạy khỏi Tây Nguyên.
![]() |
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk - nơi có khoảng 320 liệt sĩ Sư đoàn 10 đang yên nghỉ. |
Không chỉ những trận đánh, có những khoảnh khắc thời chiến cũng làm ông đau đáu bao năm. Ông vẫn nhớ như in sáng 11/3/1975. Khi ấy, Tiểu đoàn 4 được lệnh cùng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 273) tiếp tục tấn công vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 địch. Súng đạn nổ vang trời, máy bay địch quần thả ném bom, phá nát cả một vùng trời Buôn Ma Thuột, con đường Mai Hắc Đế (hiện tại) ngập trong khói bom, lửa đạn. Đang giao tranh ác liệt, Trung đội trưởng Nguyễn Đình Thi bỗng nghe thấy tiếng khóc của trẻ con. Nhìn về phía con đường loang lổ đạn bom, ông thấy hai đứa trẻ tầm 5 và 3 tuổi vừa chạy, vừa thất thanh gọi mẹ. Ông lập tức lệnh Tiểu đội phó Tân Khải Thanh chạy ra bế hai đứa nhỏ. Dưới sự yểm trợ của ông, chiến sĩ Tân Khải Thanh đã đưa được hai cháu bé vào nơi an toàn. Ông hồi tưởng: “Hai đứa bé mặt mũi lem luốc, sợ hãi, đau đớn, người chị 5 tuổi bị một viên ARI5 xuyên qua lòng bàn tay, còn bé em 3 tuổi cũng bị một viên AR15 xuyên qua bắp thịt cánh tay. Băng bó vết thương cho hai đứa nhỏ xong, chúng tôi bàn giao lại cho y tá, rồi cùng anh em trong đơn vị tiếp tục nhiệm vụ”.
Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, nhưng hình ảnh của hai đứa trẻ tìm mẹ giữa bom rơi, đạn lạc vẫn canh cánh trong lòng ông. Và ông cũng luôn hy vọng, một ngày nào đó sẽ nhận được tin tốt lành về hai đứa trẻ năm ấy…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc