Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học hữu ích

08:34, 09/07/2023

Thuốc kháng sinh “tàng hình” hạn chế kháng thuốc

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, kháng kháng sinh là một trong top 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Để hạn chế mối nguy này, khoa học đang khẩn trương tìm ra thế hệ kháng sinh mới hiệu quả cao hơn, diệt được mọi vi khuẩn, mầm bệnh. Một trong những thành tựu mới là ra đời thuốc kháng sinh mới, có khả năng “tàng hình” của phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (CSHL) của Mỹ.

Thuốc kháng sinh "tàng hình"

Theo đó, kháng sinh do CSHL tạo ra có thể biến đổi cách sắp xếp các nguyên tử và thay đổi hình dạng nên có công hiệu cao, tỷ lệ sống đã tăng lên 70% nếu được điều trị bằng loại kháng sinh tự biến đổi này. Giáo sư Moses, trưởng nhóm cho hay, kháng sinh mới này là sự kết hợp một loại kháng sinh hiện có vancomycin với phân tử bullvalene; trong đó bullvalene với vai trò trung tâm, dễ dàng hoán đổi vị trí của nguyên tử và sắp xếp chúng thành hơn một triệu cấu hình khác nhau. Trong khi đó, hai đầu của kháng sinh vancomycin sẽ gắn vào bullvalene. Vancomycin là một loại kháng sinh mạnh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn gram dương gây ra nhưng nay nhiều loại vi khuẩn đã phát triển đề kháng với loại thuốc này.

Trong nghiên cứu mới, khi ấu trùng bướm đêm (Galleria mellonella) không được điều trị, tỷ lệ tử vong trong vòng một tuần sau khi bị nhiễm là 90%. Khi dùng loại kháng sinh tự biến đổi hình dạng mới nói trên, tỷ lệ sống đã tăng lên 70%. Kết quả này là nhờ biến đổi hình dạng thành cấu hình tối ưu, liên kết với thành tế bào vi khuẩn để tạo nên “vòng vây” khiến vi khuẩn không thể thoát ra ngoài trước khi vô hiệu.

Hệ thống cảnh báo sớm động đất lớn nhất thế giới

Nhằm hạn chế thiệt hại do động đất gây ra, Trung Quốc vừa hoàn thành hệ thống cảnh báo sớm động đất lớn nhất thế giới (Earthquake Early Warning System hay EEWS) với hơn 15.000 trạm theo dõi, cung cấp thông tin trong vòng một giây. Trước khi động đất xảy ra có nhiều loại sóng địa chấn hình thành, các sóng đầu tiên thường yếu hơn nhưng lại di chuyển nhanh hơn sẽ kích hoạt các hệ thống EEWS. Khi được kích hoạt, EEWS sẽ phát hiện các chuyển động của mặt đất và gửi tín hiệu đến các trung tâm xử lý dữ liệu.

Theo ông Yang Tun, người đứng đầu phòng thí nghiệm cảnh báo sớm động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, EEWS là hệ thống cảnh báo sớm động đất lớn nhất thế giới. Hệ thống này hiện đã hoàn thành, đang được thử nghiệm và nghiệm thu. Cũng theo ông Yang Tun, EEWS gồm hơn 15.000 trạm theo dõi, 3 trung tâm quốc gia, 31 trung tâm cấp tỉnh và 173 trung tâm đưa tin cấp quận. Hoạt động thử nghiệm cảnh báo sớm cho cộng đồng đang được tiến hành ở một số khu vực dễ xảy ra động đất như tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hồ Bắc, Phúc Kiến.

Tàu du lịch đầu tiên dùng năng lượng tái tạo

Theo CNN, Tập đoàn Hurtigruten (HG) của Na Uy vừa công bố kế hoạch đóng một chiếc tàu du lịch “phát thải Zero” chạy bằng năng lượng tái tạo thông qua những cánh buồm pin năng lượng mặt trời kết hợp với hệ thống pin siêu mạnh. Đây là con tàu du lịch đầu tiên trên thế giới dùng năng lượng tái tạo; khai thác năng lượng từ gió, mặt trời và lưu trữ năng lượng tái tạo trong các tổ hợp pin siêu mạnh. Tàu không chỉ sang trọng, sạch mà còn tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới trong tương lai gần.

Tàu du lịch dùng năng lượng tái tạo

Theo thông báo của HG, tàu có tên Sea Zero được kỳ vọng là tiết kiệm năng lượng, giúp phát triển du lịch bền vững. Sea Zero, dự kiến ​​sẽ ra mắt năm 2030 được trang bị bộ pin 60 MWh với những công nghệ tiên tiến hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sea Zero được thiết kế để chở 500 hành khách trong 270 cabin. Theo phác thảo thiết kế, Sea Zero có 3 cánh buồm bằng vật liệu tổng hợp tự động, có thể thu gọn cùng với những tấm pin mặt trời gắn trên cánh buồm. Những giàn cánh buồm được thiết kế để tăng cường tính thủy động học, đón các luồng không khí di chuyển có sức mạnh lớn nhất ở độ cao tới 50 m nhằm tăng cường lực đẩy cho tàu du lịch. Ba cánh buồm có thể thu gọn, khi giương hết độ cao đạt 1.500 m² gắn các tấm pin mặt trời, có tổng diện tích đón gió là 750 m². Ngoài ra, Sea Zero được trang bị hàng chục cảm biến, camera kỹ thuật số và hệ thống điều khiển hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) tự động hóa cao độ. Công ty cho biết kích thước của buồng điều khiển boong thượng có thể được thu gọn và thiết lập tương tự như buồng lái máy bay.

Robot “ăn” trứng côn trùng hại mùa màng

Các nhà khoa học tại Viện Robotics (RI) thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) vừa nghiên cứu thành công robot “ăn” trứng côn trùng, có tên robot TartanPest.

Cấu trúc TartanPest bao gồm một cánh tay robot Ufactory xArm6 và một hệ thống thị giác máy tính được gắn trên một máy kéo siêu nhỏ chạy điện Amiga do Công ty Robot nông nghiệp Farm-ng có trụ sở tại California sản xuất. Khi TartanPest di chuyển tự động giữa các trong vườn cây ăn quả, nó sẽ sử dụng hệ thống thị giác máy tính để tìm kiếm các khối trứng ruồi đèn đốm.

Robot "ăn" trứng côn trùng.

 

TartanPes đặt trên hệ thống được dẫn động bằng máy kéo Amiga bốn bánh nặng 145 kg, trọng tải tối đa 454 kg, tốc độ tối đa 9 km/giờ, thời lượng pin 3 - 8 giờ chạy cho mỗi lần sạc, tùy thuộc vào cách sử dụng. Khi phát hiện khối trứng, robot sử dụng bàn chải xoay ở cuối cánh tay để đánh bật và tiêu diệt khối trứng.

 

Nguyễn Duy

(Theo DU/LSC/IEC/CNN/NAC- 6/2023)


Ý kiến bạn đọc