Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo khoa học “Xác định ngày, tháng, năm thành lập huyện, thành lập Đảng bộ huyện và ngày giải phóng huyện Krông Búk”

18:46, 18/10/2023

Chiều 18/10, Huyện ủy Krông Búk phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xác định ngày, tháng, năm thành lập huyện, thành lập Đảng bộ huyện và ngày giải phóng huyện Krông Búk”.

Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy H’Lim Niê; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ; các  đồng chí lão thành cách mạng; đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

1
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, ghi chép: Huyện Krông Búk ngày nay là địa bàn trung tâm của huyện Buôn Hồ cũ - một trong 5 đơn vị hành chính cấp huyện hình thành sớm nhất của tỉnh Đắk Lắk. 

Về ngày, tháng, năm thành lập huyện Krông Búk: Năm 1931, địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành 5 quận là: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song, Lắk và M’Đrắk; tỉnh lỵ đóng tại quận Buôn Ma Thuột.

Ngày 6/1/1942, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định số 3268 chia Đắk Lắk thành 3 quận (Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Lắk). Quận Buôn Hồ có các tổng: Ea H’leo, Ea Drăng, Ea Súp, Ea Tul, Ea Krông Búk, Ea Drông, Ea Krông Pắk.

Trước đây, huyện Krông Búk có 3 tên gọi đặc trưng cho ba giai đoạn lịch sử quan trọng: thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Pháp là quận/huyện Buôn Hồ; trong kháng chiến chống Mỹ là H4 và sau ngày giải phóng (30/4/1975 đến nay) là huyện Krông Búk.

Tháng 7/1975, tỉnh quyết định hợp nhất H4 và H5, cho H4 tiếp nhận xã Dliêya của H3 và bàn giao xã Ea Kar cho H1 để hình thành huyện Krông Búk. 

Tháng 8/1977, huyện Krông Búk tách ra thành huyện Ea Súp và huyện Krông Búk. Tháng 4/1980, tiếp tục được tách thành 2 huyện: Krông Búk và Ea H’Leo. Tháng 2/1987 lại phân chia thành 2 huyện: Krông Búk và Krông Năng. Tháng 12/2008, huyện Krông Búk tách ra và thành lập thị xã Buôn Hồ. 

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng xét về bản chất thì huyện Krông Búk ngày nay được hình thành từ thời Pháp thuộc, có tên gọi là Quận Buôn Hồ và sau ngày giải phóng (30/4/1975 đến nay) đổi tên là huyện Krông Búk.

1
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê tham gia ý kiến tại hội thảo.

Về ngày, tháng, năm thành lập Đảng bộ huyện Krông Búk, theo các tài liệu nghiên cứu: “Tháng 10/1948, Trung ương quyết định thành lập Liên khu V; Ban cán sự Đảng tỉnh quyết định thành lập Ban cán sự Đảng hai huyện M’Đrắk và Buôn Hồ. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên, được coi là tiền thân của Đảng bộ Buôn Hồ". 

1
Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ, trao đổi thông tin tại hội thảo.

Về ngày giải phóng huyện Krông Búk, các tài liệu xác định: sáng ngày 12/3/1975, Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ. Cùng thời điểm với cuộc tấn công của Trung đoàn 9 giải phóng quận lỵ Buôn Hồ, các đội công tác của H4 và cơ sở cốt cán của ta trong các buôn ấp, dinh điền đã đồng loạt nổi dậy làm chủ, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, giải phóng Buôn Hồ, kết thúc 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ.

1
Ông Y Per Niê, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Búk tham gia thảo luận tại hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu, lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng đã xác định thông tin, đưa ra căn cứ, luận chứng khoa học để cung cấp thêm tài liệu về những vấn đề liên quan đến ngày, tháng, năm thành lập huyện, thành lập Đảng bộ huyện và ngày giải phóng huyện Krông Búk.

1
Ông Đinh Duy Linh, Trưởng Phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại hội thảo. 

Căn cứ vào những tài liệu lịch sử, tại hội thảo khoa học, các đại biểu thống nhất phương án: chọn ngày 6/01/1942 là ngày Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định số 3268 chia Đắk Lắk thành 3 quận, trong đó có quận Buôn Hồ là ngày thành lập huyện Krông Búk; lấy mốc tháng 10/1948 là thời điểm Ban cán sự Đảng tỉnh quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Buôn Hồ và chọn ngày 1/10/1948 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ huyện Krông Búk; ngày 12/3/1975 là ngày giải phóng huyện Krông Búk.

1
Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học đã làm sáng tỏ thêm luận cứ, căn cứ khoa học xác định ngày thành lập huyện, ngày thành lập Đảng bộ huyện và ngày giải phóng huyện Krông Búk, qua đó góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng và nâng cao lòng tự hào về Tổ quốc, quê hương đất nước, niềm tin yêu đối với Đảng; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ không ngừng phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, đoàn kết, nhất trí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, xây dựng huyện Krông Búk ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho rằng, những ý kiến đề xuất của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ và tư liệu quý giá do các đồng chí lão thành cách mạng chia sẻ là cơ sở quan trọng để các cơ quan tham mưu tổng hợp, đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, lựa chọn trình Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quyết định. Tuy nhiên, để có được một kết luận chính thức về ngày, tháng, năm thành lập huyện, thành lập Đảng bộ huyện và giải phóng huyện Krông Búk, có cơ sở khoa học và có ý nghĩa thực tiễn, Ban tổ chức Hội thảo tiếp tục thu nhận ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ, các nhà nghiên cứu để hoàn thiện văn bản đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy trình Ban Chấp hành xem xét, quyết định.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.