Multimedia Đọc Báo in

Những tấm lòng thiện nguyện trong đại dịch

08:10, 27/09/2021

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quyên góp tiền, nhu yếu phẩm… hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trên địa bàn huyện Krông Búk.

Vừa qua, Nhóm thiện nguyện Chuyến xe yêu thương ở TP. Buôn Ma Thuột đã kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ được một chuyến xe với 4,5 tấn rau củ quả chuyển đến huyện Krông Búk, hỗ trợ người dân.

Anh Trương Ngọc Nguyên, Trưởng nhóm thiện nguyện này chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đa phần người dân huyện Krông Búk đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do phải cách ly, phong tỏa nên rất cần sự giúp đỡ. Đây là một trong những việc làm thường xuyên của nhóm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhóm đã kêu gọi ủng hộ và tổ chức được 24 chuyến xe đưa rau củ quả, nhu yếu phẩm về khắp các huyện, thị xã của tỉnh, với tổng cộng 64 tấn rau, 555 thùng mì tôm, 3.200 trứng gà, 1,6 tấn gạo, 400 phần quà gồm dầu ăn, mắm muối…

Các phần quà hỗ trợ được kịp thời phân phát hộ trợ người dân vùng dịch.

Là doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn huyện, những ngày qua, chị Nguyễn Thị Nhỏ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Diễm Minh (xã Pơng Drang) đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, bạn hàng chung tay ủng hộ được trên 3 tấn rau, củ quả và hơn 100 suất quà là nhu yếu phẩm (mỗi suất 1 triệu đồng) để hỗ trợ người dân vùng phong tỏa, cách ly trên địa bàn huyện. Ngoài ra, chị còn dùng xe ô tô tải của gia đình chở hàng hóa, nhu yếu phẩm từ điểm tập trung quà từ thiện (do các mạnh thường quân hỗ trợ) về các xã phát cho người dân.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Krông Búk cho hay, đơn vị đã trích kinh phí từ Quỹ An sinh 40 triệu đồng để hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện mua trang thiết bị y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19; vận động các cán bộ, công nhân viên tự nguyện góp tiền mua 1 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Ngoài ra, Agribank còn thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch COVID-19. Đối với khách hàng trong huyện gặp khó khăn trong quá trình trả nợ thì Agribank cũng có những chính sách như cơ cấu lại hạn trả nợ, hoặc cho vay lại với lãi suất thấp hơn để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Nhóm thiện nguyện Chuyến xe yêu thương vận chuyển rau, củ quả về hỗ trợ huyện Krông Búk.

Giữa khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những việc làm thiện nguyện của các nhà hảo tâm là sự động viên, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau cùng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Ông Phạm Đăng Khanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Búk cho biết, hưởng ứng Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ ngày 22-8 đến hết ngày 21-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Búk đã vận động được 505,547 triệu đồng cho Quỹ vắc xin chuyển về Ban cứu trợ - Ủy ban MTTQVN tỉnh; tiếp nhận gần 1,1 tỷ đồng tiền mặt (trong đó, Tỉnh ủy hỗ trợ 200 triệu, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 400 triệu, còn lại là các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân khác); gần 66 tấn gạo (trong đó có 24 tấn từ nguồn gạo cứu đói của huyện) và nhiều nhu yếu phẩm.

Từ nguồn quyên góp, ủng hộ trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kịp thời triển khai công tác cấp phát và mua thêm nhu yếu phẩm hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở các khu phong tỏa; chuyển hơn 1.100 bộ đồ bảo hộ y tế cho các xã, chốt kiểm dịch và Trung tâm Y tế huyện… Đối với nguồn rau, củ quả các loại được hỗ trợ, huyện đã phân bổ 15 tấn cho khu bếp ăn tập trung của Ban Chỉ huy Quân sự huyện phục vụ đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân F0, trường hợp F1 tại khu cách ly; bếp ăn của Công an huyện phục vụ lực lượng công an tham gia phòng, chống dịch và hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn.

Để việc hỗ trợ đến tay người dân và lực lượng phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, minh bạch, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên liên lạc với cấp ủy, chính quyền và mặt trận các xã nắm bắt nhu cầu của nhân dân để phân bổ nguồn hỗ trợ hợp lý. UBND các xã cũng thành lập bộ phận tiếp nhận và phân phát cho nhân dân; chi bộ, ban tự quản thôn, buôn phối hợp với Tổ COVID-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” lồng ghép công tác tuyên truyền về phòng chống dịch với kiểm tra các hộ khó khăn để kịp thời cấp phát cho người dân. Từ những việc làm kịp thời, thiết thực, hiệu quả của MTTQ và các địa phương trong huyện, những phần quà mà tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ đều đến đúng địa chỉ. 

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.