Multimedia Đọc Báo in

Bếp lửa mùa đông

15:27, 05/12/2021

Có lần về nhà, gặp ngay hôm mất điện, ba bạn bắc cái bếp nho nhỏ cạnh góc nhà dùng để nấu cơm.

Hôm đó bạn xung phong vào bếp. Từ rất lâu rồi, bây giờ bạn mới được trở lại cảm giác của ngày xưa: dùng rơm làm mồi lửa, cặm cụi cho từng thanh củi vào bếp, thi thoảng lại cúi thấp cổ, chúi mặt vào bếp thổi phì phò mỗi khi lửa sắp tắt. Khói bếp làm cho mắt bạn xè cay, nước mắt nước mũi lấm lem hết trên khuôn mặt của bạn. Thật lạ, điều đó chẳng làm bạn phiền lòng, ngược lại bạn thích lắm! Bạn như được trở lại tuổi thơ, mùa đông bên chái bếp với ngọn lửa bập bùng cháy với biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Ba bạn vẫn thường nói rằng góc bếp là nơi quan trọng của mỗi gia đình, dẫu nhà có tuềnh toàng cỡ nào chăng nữa thì cũng nhất định phải có một góc bếp để con người còn sớm tối lui tới nấu nướng. Hồi đó nhà bạn nghèo lắm, chẳng có gian bếp đàng hoàng riêng biệt như bây giờ mà chỉ là một góc bếp đúng nghĩa là một góc nhỏ nhắn ba bạn dựng tạm bợ bên hông gian nhà chính. Sau này thì “nâng cấp” lên thành một chái bếp bằng tranh vách nứa. Lên sáu lên bảy thi thoảng bạn giúp ba mẹ nấu nồi cơm, đun ấm nước. Bạn thích được vào bếp vào mỗi mùa đông, nơi có những ngọn lửa bập bùng cháy, ấm sực. Sáng sớm thức giấc, việc đầu tiên bạn làm sau khi vệ sinh cá nhân là sà xuống bếp, lúc đó mẹ đang lụi cụi nấu bữa ăn sáng cho cả nhà. Nói là nấu bữa sáng nhưng thực chất chỉ là dăm ba củ khoai, củ sắn luộc hoặc bát cơm nguội rang với mỡ lợn. Thường thì bạn ngồi ngay tại góc bếp mà cầm củ khoai, củ sắn nhồm nhoàm ăn. Cảm giác mùa đông bớt lạnh hơn khi được ngồi trong góc bếp với vị khoai, sắn ngọt bùi thơm lừng.

Mỗi sáng mùa đông ngồi trong góc bếp bạn cứ nấn ná mãi và ước giá như không phải di chuyển ra phía trời đang lạnh giá. Và những ngày cuối tuần, ngày nghỉ có lẽ là ngày khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Bạn được tự do với bếp lửa, được cời than, đưa củi và chuyện trò với bếp. Bạn thích vừa nấu nướng vừa vùi một vài củ khoai dưới lớp than hồng hồng, thi thoảng đưa que chòi chọc xem nó đã chín chưa. Rồi vỡ òa khi thấy mùi thơm khoai nướng bốc lên nghi ngút. Cầm củ khoai trong tay, bẻ ra làm đôi, thớ thịt vàng hươm, bở tơi, ngọt bùi cứ thoảng thơm mãi trong miệng làm bạn hạnh phúc, run rẩy. Má bạn bừng bừng đỏ, hơi lửa táp vào ấm sực hơn bất cứ hơi ấm nào. Miệng bạn nhẩm một vài lời bài hát mới học. Yên bình cứ thế lặng lẽ trôi…

Minh họa: Trà My

Mỗi lần ở trong bếp, bạn có cơ hội nhìn rõ hơn những vật xung quanh. Bộ nồi niêu xoong chảo từ rất lâu, là của hồi môn mà bà ngoại dành tặng mẹ bạn khi cưới chồng. Cái chạn bát cũ kỹ làm bằng gỗ tre và gỗ xoan đào ba bạn đẽo đục mất mấy ngày mới xong. Lớn lên, bạn biết thương hơn từng cái bát sứt miệng mà có lần bạn cứ nghĩ mãi về tính tằn tiện của mẹ. Bạn thương từng vết nhọ nồi lem nhem trên khuôn mặt gầy gò hằn chằng chịt vết chân chim của mẹ. Bạn nhớ góc bếp một lần bạn vô ý ngã nhào vào đống củi, vết thẹo trên mặt vẫn còn lưu lại kỷ niệm đó. Dường như mọi vật dụng trong bếp đều thân quen và giản dị gắn bó với năm tháng với biết bao nhiêu thăng trầm với gia đình bạn.

Bếp lửa mùa đông khổ nhất là vào đợt mưa rơi trĩu hạt. Góc bếp tuềnh toàng chẳng che nổi nắng mưa. Dù ba bạn cố gắng chắp vá, che chắn rất nhiều nhưng mỗi khi mưa, nước vẫn cứ nhỏ giọt tong tong. Bếp lửa ướt nhẹp, củi khô thành củi ướt chẳng chịu bén lửa, khói cứ thế mù mịt. Mẹ bạn phải dùng hết sức lực để thổi bếp, đi ra đi vào tìm củi khô, bạn nóng lòng thương vô cùng. Bữa cơm vất vả dọn ra sau thời gian dài đằng đẵng. Bữa cơm có mùi khói, mẹ nhìn đàn con mà rơm rớm nước mắt. Bạn nhớ mãi cái nghèo đeo đẳng suốt những mùa đông thơ dại.

Thời gian cứ thế trôi đi, cái nghèo không còn đeo đẳng nữa. Góc bếp ngày xưa cũng được cơi nới, xây dựng lại thành một nơi hiện đại và sạch sẽ hơn. Bếp gas, bếp điện lần lượt xuất hiện. Mùi khói, nhọ nồi dần đi vào quên lãng. Duy chỉ có mùa đông là năm nào cũng lạnh. Lúc bạn cho từng thanh củi vào bếp, người bạn như mơ hồ, thực tại và quá khứ cứ hòa lẫn với nhau. Mắt bạn xè cay, một phần vì khói, phần nữa là vì hoài niệm… bếp lửa mùa đông năm nào.

Tăng Hoàng Phi


Ý kiến bạn đọc