Multimedia Đọc Báo in

Chốn xưa mấy độ hoa vàng

10:12, 12/12/2021

Những năm tháng bôn ba nơi xứ người, tôi vẫn khôn nguôi nhớ về chốn xưa yêu dấu. Hình như ai trong chúng ta cũng đều có riêng cho mình một chốn xưa để nhớ thương khắc khoải mỗi lúc đi xa, để hân hoan hạnh phúc mỗi khi được quay trở lại.

Chừng ấy năm, cái chốn xưa nở rộ hoa vàng trong từng sớm mai đầy nắng vẫn đọng hoài trong trái tim tôi. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, ký ức lại đưa tôi ngược về những ngày ngồi lặng hàng giờ trên bến cũ ngắm từng vạt hoa vàng ngả nghiêng trong ánh nắng, bờ sông hoang vắng, dòng nước lặng lờ cuốn theo mấy chiếc lá khô rơi. Một khoảng sân rộn rã tiếng nói cười. Một căn nhà che nắng che mưa, có ngưỡng cửa quen thương sáng nào tôi cũng qua vội vã.

Chốn xưa mấy độ hoa vàng? Tôi tự hỏi lòng mình như thế! Chắc không ai còn nhớ chốn xưa đã mấy lần nở hoa, mấy mùa cây thay lá để biết được rằng tôi đã xa quê bao nhiêu lâu. Tôi cũng chẳng muốn đếm ngày tháng xa quê làm gì, bởi mỗi lần ngồi nhẩm đếm, lòng tôi lại dợn lên một nỗi niềm xa xót. Hoa vẫn cứ vàng rực rỡ bờ sông quê, còn tôi vẫn mải miết chạy theo tiền tài, danh vọng, lao vào vòng xoáy của cuộc sống bon chen, chật vật chốn thị thành. Dần dần, giữa tôi và chốn cũ là một khoảng cách xa xôi vô định, cánh chim trời từng ấy năm vẫn cứ bay cao, bay xa, chưa một lần ngoái về xem mùa hoa vàng năm này có còn rực rỡ như mùa hoa vàng năm cũ.

Chốn xưa mấy độ hoa vàng? Là bấy nhiêu lần chị tôi ra ngồi đợi anh về. Một cuộc hẹn hò trăm năm, một con đò buông bờ không hẹn ngày trở lại. Chị giấu nỗi đau vào lòng, mắt chị hằn in những vết chân chim, màu thời gian đã rửa trôi những gì xuân sắc nhất của chị. Chị vẫn ngồi đó trải lòng cùng muôn dặm vàng hoa. Anh chưa trở lại. Chị cũng không đi thêm bước nữa dù đã mấy lần có người mối mai, dạm hỏi. Bến sông vắng bóng con đò. Cuộc tình dang dở. Tóc chị phai màu. Bông hoa kia không còn phù hợp để cài lên mái tóc hoa râm của chị nữa rồi.

Minh họa: Trà My

Chốn xưa mấy độ hoa vàng? Là bấy nhiêu lần má tôi ra bến sông lóng ngóng, đợi tôi về. Tôi cứ hẹn hoài mà vẫn chưa về được. Má tôi cứ nương theo những lời hẹn của tôi mà ra chốn xưa có hoa vàng nở đợi chờ. Mắt má nhìn xa xăm, nón lá nghiêng che, tóc má lòa xòa trong gió. Không thấy tôi qua đò. Lời hẹn hóa hư không. Má trở vào bỏ lại sau lưng muôn dặm hoa vàng vẫn đang khoe sắc.

Ai đã trồng hoa vàng khắp bến sông quê để rồi rực rỡ, để rồi gieo nhớ gieo thương trong tâm khảm kẻ tha hương. Hoa vàng đẹp mối duyên quê. Hoa vàng chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn, điểm tô cho bao đám rước rộn ràng xác pháo. Thuở thiếu thời mỗi lần đi học tôi đều nấn ná ngắm khóm hoa ven sông, hoa vàng đi vào trang thư đầu tay của tôi, được ép vụng về nhưng duyên dáng ở một góc. Mối tình đầu của tôi cũng diễn ra ở bến sông này, bàn tay ngập ngừng chạm nhau mà trái tim tưởng như sắp vỡ tung trong lồng ngực, tay trao thư tay ngắt cành hoa cài lên mái tóc người con gái. Tình đẹp nhưng tình buồn. Ngày ấy, tháng ấy, mối tình đầu của tôi như gió thoảng mây bay…

Má nói khóm hoa vàng giờ không còn nở rộ như xưa. Người ta làm đường, xây cầu, dưới sông nhiều tàu bè qua lại nên đóng thêm hàng cừ để giữ đất quê không sạt lở. Người ta đã phá bỏ khóm hoa đi mất rồi. Có mấy ai còn tha thiết tới chuyện cũ, người xưa, huống chi thiết tha một khóm hoa vàng có hay không cũng không làm người ta buồn đau, xa xót. Nhưng rồi đã có người về lại bến sông xưa lặng lẽ trồng lại những khóm hoa để giữ gìn hình hài của bến sông ngày cũ.

Người đó là ai? Tôi tự hỏi. Là chị tôi, là má, hay là người con gái năm xưa đã hẹn với tôi sẽ gặp lại nhau trong một mùa hoa vàng nào đó. Tôi ngồi trên căn gác nhỏ nghĩ về chốn xưa. Ôi, bờ sông quê mấy độ hoa vàng, là mấy mùa nhớ thương, mấy mùa tôi xa xứ…

Nhớ chốn xưa, chắc chắn rằng tôi sẽ quay về thăm hoa vàng trong một chiều nắng đẹp, để tìm lại bóng dáng yêu kiều mà thủy chung, cần mẫn của chị tôi, để được gặp má và ôm má vào lòng như hồi tôi còn bé, để được ngắm hoa vàng mà tưởng tượng ra hình hài người em gái vẫn thường về lại bến sông quê, đứng thẫn thờ và thèm vụng một mối tình đã cũ…

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc