Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết của Tỉnh ủy về huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020

08:24, 21/11/2011

Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 04 – NQ/TU về huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, bảo đảm cho việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển.

Giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng GDP (giá so sánh 1994) bình quân từ hàng năm từ 14 – 15%. Trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5 – 6%; công nghiệp và xây dựng tăng 23 – 24%; dịch vụ tăng 20 – 21%. Quy mô nền kinh tế năm 2015 gấp 1,9-2 lần so với năm 2010, với tổng GDP giá thực tế của cả giai đoạn sẽ đạt khoảng 228 – 229 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mức tăng trưởng và quy mô nền kinh tế như trên, yêu cầu tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn từ 76 – 77 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân từ 18 – 19%/năm, gấp 2,6 lần giai đoạn 2006 – 2010 và bằng 33 – 34% tổng GDP.

Giai đoạn 2016 – 2020, định hướng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phải bảo đảm cho việc thực hiện phát triển kinh tế -  xã hội theo định hướng quy hoạch tổng thể đến năm 2020 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17-6-2009, với mức tăng trưởng kinh tế (giá so sánh 1994) bình quân từ 14-15%. Trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5 – 6%; công nghiệp và xây dựng tăng 23-24%; dịch vụ tăng 20-21% và tổng GDP giá thực tế của cả giai đoạn sẽ đạt khoảng 628-629 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2016 -2020 cần 250-251 nghìn tỷ đồng, gấp 3,2 lần giai đoạn 2011-215, bằng khoảng 40% GDP.

Để đạt được mục tiêu trên, phải phát huy tối đa khả năng có thể huy động đối với các loại nguồn vốn như: nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng nhà nước, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp dân doanh và trong dân cư; đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; coi trọng công tác vận động vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và vận động khuyến khích việc sử dụng kiều hối vào đầu tư phát triển…

N.V

Ý kiến bạn đọc