Hiệu quả những mô hình Dân vận khéo
Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng, hiệu quả, với nhiều điển hình, mô hình tiêu biểu.
Một trong những điển hình của phong trào Dân vận khéo là mô hình vận động sức dân làm đường giao thông ở tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar. Ông Võ Đức Thâm, Tổ trưởng Tổ dân phố 6 cho biết, từ năm 2015, khi triển khai kế hoạch bê tông hóa các tuyến đường giao thông trên địa bàn, tổ dân vận đã “gõ cửa” từng nhà dân để vận động, phân tích giúp người dân hiểu về lợi ích thiết thực từ việc làm đường; huy động cán bộ, đảng viên trong tổ dân phố gương mẫu đi đầu trong phong trào. Trước khi làm đoạn đường nào cũng đều đưa ra họp bàn lấy ý kiến thống nhất của người dân; công khai, minh bạch các khoản đóng góp; việc thi công và giám sát công trình đều do dân tự làm.
Tổ dân vận của buôn H’Đớk, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột trao đổi với gia đình chị H’Bích Byă. |
Trong 3 năm qua, người dân tổ dân phố 6 đã tự nguyện đóng góp trên 1,23 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa 2,3 km đường giao thông nông thôn. Điều đáng nói là các khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách huyện (khoảng 460 triệu đồng) nhân dân nơi đây đã làm đơn xin trả lại, dành cho những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn hơn. Đây là khoản tiền do UBND huyện Cư M’gar trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn tăng thu ngân sách huyện hằng năm để hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Ngoài việc làm đường, các hộ dân trong tổ dân phố 6 còn tự nguyện góp tiền lắp đặt điện chiếu sáng nơi công cộng. Hiện 100% các tuyến đường khu dân cư trong tổ dân phố đều được bê tông hoặc nhựa hóa và có đèn đường thắp sáng.
Cũng phát huy sức mạnh của phong trào Dân vận khéo, những năm qua, Hội Phụ nữ phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) đã vận động đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình tiết kiệm gây quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế như: “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tiết kiệm tại chỗ”, “Quỹ thoát nghèo”, “Quỹ phát triển sản xuất, kinh doanh”... Theo chị Văn Thị Kim Oánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Lạc, hiện nay Hội Phụ nữ phường và các chi hội trên địa bàn đã xây dựng được nguồn quỹ trên 1 tỷ đồng, với 1.100 hội viên tham gia, giúp đỡ cho trên 200 hộ hội viên luân phiên vay vốn thoát nghèo và phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, các hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng xen tiêu, bơ, sầu riêng trong rẫy cà phê để thu lợi nhuận cao; phát triển chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ sang quy mô lớn gia trại, trang trại. Nhiều chi hội, các chị em có điều kiện kinh tế khá còn giúp đỡ các hội viên và người dân trong vùng vay vốn làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất… Nhờ đó, đã giúp nhiều chị em, phụ nữ của phường có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hằng năm, bình quân có 6 - 7 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo; riêng năm 2017 có 12 hộ hội viên thoát nghèo.
Con đường bê tông do người dân Tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đóng góp làm. |
Ông Võ Đức Thâm, Tổ trưởng Tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar
|
Trước đây tình hình an ninh trật tự ở buôn H’Đớk (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) khá phức tạp, mâu thuẫn trong dân thường xuyên xảy ra, thanh niên hay nhậu nhẹt, gây gổ đánh nhau… Từ năm 2014, chi bộ, ban tự quản buôn phối hợp với Đội công tác 253 của xã Ea Kao thành lập mô hình Dân vận khéo, với những cách làm hay đã đem lại hiệu quả thiết thực. Trưởng buôn Y Sieo Bkrông cho hay, tổ dân vận đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi khi trong buôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, tổ dân vận đều khéo léo vận dụng cả lý và tình để giải quyết; việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, việc căng thẳng hơn thì dùng luật để giáo dục, răn đe... Nhờ đó, có khá nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Khi một số thanh niên nảy sinh mâu thuẫn, tổ dân vận đều gặp gỡ để phân tích đúng sai, giúp họ hiểu và tuân thủ pháp luật, hóa giải mâu thuẫn… Đến nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã cơ bản ổn định, không để xảy ra mâu thuẫn phức tạp, kiện tụng vượt cấp kéo dài.
Ông Trần Hồng Tiến, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thực hiện chủ trương về phong trào thi đua Dân vận khéo của Ban Dân vận Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh đã xây dựng và phát triển mô hình, điển hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước; tham gia giải quyết nhiều khó khăn, phức tạp ở cơ sở; đóng góp quan trọng vào những thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh và từng địa phương.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc