Để việc học và triển khai nghị quyết thực sự hiệu quả
Báo chí từng phản ánh về những vấn đề trong học tập nghị quyết ở cơ sở, trong đó nêu lên thực trạng: khi nhận kế hoạch học tập nghị quyết, không ít cán bộ thở dài, tỏ ra mệt mỏi; hay tại các buổi học tập trung, vài cá nhân hồn nhiên “đi ra, đi vào”, sử dụng điện thoại để lướt website, vào mạng xã hội; lại có cán bộ dự một lúc, rồi viện lý do về trước…
Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra kết quả học tập nghị quyết, vẫn có cán bộ, đảng viên nhờ đồng chí, đồng nghiệp chép hộ bài thu hoạch… Nguyên nhân của thực trạng trên được ngụy biện rằng, học nghị quyết vốn là nội dung “khô, khó, khổ”, trong khi đó có quá nhiều nghị quyết phải học tập và việc cân đối thời gian giữa họp hành, công tác với học nghị quyết thường chồng lấn, gây khó cho cán bộ, đảng viên.
Trong thực tế, mỗi năm số lượng nghị quyết được triển khai khá nhiều và tạo nên sự lúng túng cho những người có trách nhiệm. Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... đều ban hành nghị quyết thường kỳ; cùng với đó là hàng loạt nghị quyết chuyên đề cộng thêm một số lượng không nhỏ kết luận, quy định, quy chế, đề án, chuyên đề, chương trình... về các lĩnh vực lãnh đạo, nhiệm vụ đặc thù. Nghị quyết này vừa được ban hành, đang tổ chức học tập thì nghị quyết khác đã ra đời và tiếp tục triển khai... dẫn đến tình trạng “nghị quyết gối lên nghị quyết”. Cơ sở càng thêm lúng túng khi có nhiều nghị quyết ra đời, nhưng cấp trung gian thường chỉ triển khai theo lối “sao y bản chính” rồi giao về cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương. (Ảnh minh họa: Duy Tiến) |
Vậy làm sao để việc học tập, triển khai nghị quyết đúng tinh thần, hiệu quả, phát huy được vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên? Rõ ràng việc học tập nghị quyết phải thực chất, phải đảm bảo yêu cầu, sát với thực tế, tránh tình trạng rập khuôn, máy móc, không có tình trạng “sao y bản chính” hay đặt ra “vấn đề” nhưng không giải quyết được “vấn đề” như: “trồng cây gì?, nuôi con gì?… cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng đơn vị”…
Để giải “bài toán” cùng lúc cơ sở phải quán triệt, triển khai nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau, một số đảng bộ cấp huyện, thị xã, thành phố có cách làm khá mới là tiến hành “lược hóa nghị quyết”. Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương rồi “lược hóa” nghị quyết thành các nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện để cơ sở đảng cấp xã, phường, thị trấn... dễ quán triệt, triển khai, vận dụng.
Cùng với đó, quá trình truyền đạt nghị quyết rất cần những báo cáo viên có khả năng báo cáo thuyết phục, truyền cảm hứng cho người nghe, truyền tải được tinh thần của nghị quyết. Đồng thời, phải nêu được các giải pháp, cách thức thực hiện nghị quyết, nghĩa là cấp cơ sở đảng triệu tập quán triệt nghị quyết phải “giải nén, khơi nguồn” để cán bộ, đảng viên dễ tiếp cận.
Học tập nghị quyết là quyền và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; thông qua đó để nghị quyết của Đảng được triển khai, phổ biến rộng rãi, đi vào đời sống xã hội, hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể của mỗi tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân, lan tỏa những việc làm hay, cách làm mới, sáng tạo, linh hoạt để đạt được kết quả tốt nhất. Đó cũng biểu hiện sinh động trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là “cầu nối”, là “đường dẫn”, “khơi nguồn”, là người truyền đạt, giải thích, vận động chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Cũng từ thực tiễn sinh hoạt, lao động, học tập cùng với nhân dân thì cán bộ, đảng viên là người nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, mong muốn của người dân để phản ánh với tổ chức đảng, với chính quyền, từ đó xây dựng được các chủ trương, chính sách thực sự là “ý Đảng hợp lòng dân”.
Nguyễn Đình Khiêm
Ý kiến bạn đọc