Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Chuyện dân vận ở Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng

08:03, 04/05/2023

Một ngày giữa tháng tư, chúng tôi tham gia cùng một nhóm tuyên truyền của huyện M’Drắk đi vận động, thuyết phục, đối thoại với người dân tại xã Cư San có liên quan đến Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Sau hơn một tiếng đi trên con đường lởm chởm, bụi mù dưới cái nắng thiêu đốt thì đoàn cũng đã tới Bãi 3 (thôn 9, 10, 11). Các thành viên trong nhóm chia nhau đi đến gia đình có chủ hộ ở nhà để thực hiện việc vận động. Vào hộ ông Giàng Seo Vàng và bà Sùng Thị Cá (thôn 9, xã Cư San), sau gần một tiếng thuyết phục, giải thích các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như phân tích cặn kẽ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì hộ ông Vàng, bà Cá đã vui vẻ ký tên vào biên bản đồng ý tự di dời tài sản, nhà cửa để đi đến khu tái định cư, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Ông Nguyễn Tiến Ninh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện M’Drắk thở phào: “Kết quả hôm nay là thành công, bởi với hộ gia đình này nhóm đã tới nhà thuyết phục khoảng 15 lần rồi đấy!”. Đến các hộ khác, nhóm lại tiếp tục vận động cũng như ghi nhận các ý kiến của họ về nguyên nhân, lý do chưa đi di dời để có hướng giải quyết, xử lý.

Các thành viên của Tổ 974 vận động, thuyết phục một hộ dân ở thôn 9, xã Cư San di dời về nơi ở mới.

Bà Phạm Thị Hải Yến, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy M’Drắk, Tổ trưởng Tổ vận động, thuyết phục, đối thoại, tiếp công dân và trả lời thông tin báo chí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (gọi tắt là Tổ 974) cho biết: Ngay từ khi thành lập, Tổ 974 đã xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền và ban hành các thông báo về thời gian, địa điểm tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại với các hộ gia đình, cá nhân tại thôn 9, 10, 11. Tổ gồm có 52 thành viên, được chia thành bốn nhóm để đi vận động, thuyết phục đối với các hộ dân vào tất cả các ngày trong tuần. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ cũng gặp phải không ít trở ngại, như: đối tượng tuyên truyền, vận động là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào, bất đồng ngôn ngữ nên khó khăn trong quá trình truyền đạt nội dung; trình độ nhận thức người dân chưa đồng đều nên dễ bị các đối tượng xấu kích động, lôi kéo...

Lực lượng chức năng của huyện M'Drắk hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa di dời sang nơi ở mới.

Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk, Trưởng Ban Cưỡng chế thu hồi đất huyện cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, cũng như sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương xã Cư San, cùng sự kiên trì của các thành viên, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại với các hộ dân cơ bản đạt kết quả. Theo đó, trong đợt 1, giai đoạn I, có 31/31 hộ dân đã đăng ký và tự nguyện đi đến khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar); đợt 2, giai đoạn I, có 30/33 hộ tự nguyện đi đến khu tái định cư số 1 (3 hộ không chấp hành đã thực hiện cưỡng chế vào ngày 14/2). Còn trong đợt 1, giai đoạn II, trong 230 hộ phải di dân, tái định cư thì đã có 229 hộ đã đăng ký và di dời đến khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar); còn 1 hộ chưa đồng ý thì vẫn đang vận động, thuyết phục. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân (hơn 200 hộ của đợt 2, giai đoạn II) tự nguyện di dời tới khu tái định cư, tránh phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng được triển khai thực hiện với mục tiêu là cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp; tăng hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho 9.620 hộ trong vùng hưởng lợi; điều hòa, giảm lũ, phòng, chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản. Tại huyện M’Drắk, dự án ảnh hưởng tới thôn 9, 10, 11 (xã Cư San) khoảng 702 hộ (chưa tính hộ xâm canh) với diện tích 580 ha và tại thôn 5 (xã Krông Á) với diện tích thu hồi 170 ha.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.