Multimedia Đọc Báo in

Những đội bóng từng lên ngôi vương tại AFF Cup

08:13, 29/12/2022

Sân chơi AFF Cup đã bước sang tuổi 25. Sau 13 lần tổ chức, đã có 4 đội tuyển vinh dự nâng cao chiếc cúp vô địch ở giải đấu mang tầm vóc khu vực.

AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) bắt đầu khởi tranh từ năm 1996. Trong lần đầu tiên tổ chức tại Singapore, tuyển Thái Lan đã đăng quang ngôi vô địch sau khi thắng Malaysia 1-0 trong trận chung kết nhờ bàn thắng duy nhất của tiền đạo Kiatisak. Tính đến nay, Thái Lan chính là đội tuyển giàu thành tích nhất với 6 lần nâng cao cúp vô địch vào các năm: 1996, 2000, 2002, 2014, 2016 và 2020.

Thái Lan bước vào cuộc chiến bảo vệ chiếc cúp vô địch AFF 2022 với áp lực lớn từ phía cổ động viên đội nhà. Đội bóng vốn quen với vị trí số 1 ở khu vực Đông Nam Á rất muốn lấy lại hình ảnh,  khẳng định vị thế của mình, nhất là sau một thời gian bị đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Việt Nam qua mặt ở những giải đấu quốc tế. Sẽ không dễ dàng cho người Thái trong cuộc chiến này, bởi các đội tuyển trong khu vực có sự tiến bộ rõ rệt, hơn nữa tuyển Thái Lan còn thiếu vắng ngôi sao số 1 của họ là Chanathip Songkrasin – cầu thủ đã ba lần đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup. Ngoài ra, đội hình “voi chiến” còn vắng nhiều cầu thủ quan trọng khác như hậu vệ Tristan Do, tiền vệ Thanawat Suengchitthawon, tiền đạo Suphanat Mueanta và thủ môn dày dạn kinh nghiệm Kawin Thamsatchanan. Dẫu vậy, Thái Lan luôn được đánh giá là ứng cử viên số 1 trong khu vực. Người Thái bản lĩnh luôn biết cách vượt qua thời điểm khó khăn và sẽ không có gì bất ngờ nếu tuyển Thái Lan có mặt trong trận đấu cuối cùng của giải.   

Sau Thái Lan, Singapore là đội có 4 lần vô địch AFF Cup. Chiếc cúp đầu tiên Singapore đoạt được là vào năm 1998 sau khi thắng chủ nhà Việt Nam ở trận chung kết nhờ… cái lưng của trung vệ Sasikumar. Đến năm 2004, lần đầu tiên giải đấu có sự thay đổi về thể thức thi đấu, Singapore lần thứ hai đăng quang sau khi thắng Indonesia cả hai lượt trận với tổng tỷ số 5-2. Ba năm sau, năm 2007, tuyển Singapore bảo vệ thành công ngôi vô địch khi đánh bại Thái Lan 3-2 sau hai lượt trận. Tại AFF Cup năm 2012, Singapore cũng đánh bại Thái Lan với cùng tỷ số trên để lần thứ 4 lên ngôi ở đấu trường khu vực. Ở AFF năm nay, Singapore không được đánh giá cao, bởi đội hình gồm nhiều cầu thủ lớn tuổi, hy vọng lập lại thành tích của 10 năm về trước khó có thể thành hiện thực.

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup năm 2018. Ảnh: Internet

Đội tuyển Việt Nam xếp thứ 3 với 2 lần vô địch AFF Cup. Chiếc cúp đầu tiên Việt Nam đoạt được ở đấu trường khu vực vào năm 2008 dưới thời Huấn luyện viên Calisto. Tuyển Việt Nam lúc bấy giờ đã đánh bại tuyển Thái Lan với tổng tỷ số 3-2 để lên ngôi vương. Phải đến 10 năm sau, năm 2018, đội tuyển Việt Nam mới có lần thứ 2 chạm tay vào cúp vô địch AFF sau khi các học trò của Huấn luyện viên Park Hang-seo vượt qua Malaysia 3-2 sau hai lượt trận. Đến với AFF Cup này, tuyển Việt Nam vẫn còn đó trong đội hình những cầu thủ đã từng đăng quang năm 2018. Song không dễ để thầy trò “phù thủy” Park chinh phục chiếc cúp. Đội hình quá quen thuộc với những “quân bài” chiến thuật hầu như không có sự thay đổi của thầy Park dễ khiến đối phương "bắt bài" mà thất bại trước tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2 năm về trước là một ví dụ. Huấn luyện viên Park Hang-seo đang đứng trước áp lực cực kỳ lớn khi phải thực hiện lời hứa: đem về chiếc cúp AFF tặng người hâm mộ như một món quà ý nghĩa trước khi chia tay đội tuyển.

Cuối cùng, đội tuyển Malaysia đoạt chức vô địch AFF Cup 1 lần vào năm 2010. Năm ấy, với một đội hình các cầu thủ chất lượng, vừa đạt độ “chín” như Safee Sali, Norshahrul Idlan Talaha hay Mohd Amri, đội bóng có biệt danh “những chú hổ Malay” đã xuất sắc lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Indonesia với tổng tỷ số 4-2 ở chung kết để lần đầu giành chiếc cúp danh giá. Tại AFF lần này, Malaysia với nhiều cầu thủ nhập tịch như David Rowley (Australia), Stuart Wilkin, Lee Tuck, Darren Lok (Anh) và Sergio Aguero (Argentina) được kỳ vọng là nhân tố nòng cốt, giúp tuyển Malaysia lần thứ hai lên ngôi vương ở đấu trường danh giá.

Điểm qua 13 lần tổ chức AFF Cup, có thể thấy giải đấu quy mô khu vực AFF không có chỗ dành cho “những chú ngựa ô” - các đội bóng yếu có thể gây bất ngờ. Và có thể tại AFF Cup này, một trong 4 đội tuyển trên sẽ trên lại là chủ nhân của chiếc Cúp vô địch.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.