Multimedia Đọc Báo in

Tăng hiệu quả “thích ứng an toàn” trong phòng, chống dịch

08:13, 21/02/2022

Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xã hội dần trở lại bình thường mới là cảm nhận rõ ràng của mọi người, mọi nhà trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để cuộc sống thật sự bình ổn, yêu cầu kiểm soát dịch bệnh một cách hữu hiệu và hợp lý vào giai đoạn này càng phải được đặt ra nghiêm túc hơn.

Trong hoạt động chống dịch và chỉ đạo phòng ngừa hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, có thể thấy nổi bật hai vấn đề. Thứ nhất, địa phương kiên định hướng chủ động ngăn ngừa, xử lý lây lan dịch bệnh trong cộng đồng từ ý thức chấp hành của người dân, lấy tiêu chí “cách ly điểm, theo dõi sát” làm then chốt, thay vì tổ chức phong tỏa, cách ly tập trung… Thứ hai, các hoạt động xã hội, kinh tế, dân sinh tại từng địa bàn được vận động bình thường hóa trên tinh thần “thích ứng an toàn”, hoạt động bình thường không đông đúc.

Có thể nói, đây là kết quả triển khai, lấy kinh nghiệm thực tế để vận động, chuyển dịch phương thức chống dịch hợp lý của địa phương, sau một thời gian bị dịch bệnh ảnh hưởng. Những nỗ lực của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, cộng hưởng với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư đồng hành các chủ trương, chỉ đạo của chính quyền cơ sở đã tạo nền tảng cho các giải pháp ứng phó linh hoạt được phát huy tác dụng. Qua đó, hoạt động sinh hoạt, đầu tư làm ăn kinh tế tại địa bàn Đắk Lắk, tập trung ở các tâm điểm đô thị địa phương đã dần dần khôi phục. Những yêu cầu bắt buộc phòng ngừa xử lý như lập chốt cách ly, phong tỏa… dần gỡ bỏ, để người dân đi lại, sinh hoạt tự nhiên hơn, và các hoạt động, sự kiện kinh tế cũng tổ chức bình thường trở lại.

Những kết quả hoạt động xử lý ấy đã giúp tỉnh khắc phục những trở ngại, ảnh hưởng từ tác động dịch bệnh tại các địa bàn, kể cả những khu vực cao điểm như thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc… Giao thương hàng hóa, việc kinh doanh buôn bán của nhân dân trở lại nhịp điệu bình thường. Y tế gỡ bỏ những rào cách, xử lý ca bệnh tại chỗ, khích lệ người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, giải quyết các sự cố sức khỏe người dân nhiễm dịch… Đặc biệt, mảng du lịch cộng đồng được địa phương ấn định sẽ mở lại các cánh cửa tương tác du khách, các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành sẵn sàng đón khách từ tháng 3/2022, hòa chung tinh thần kết nối du lịch cả nước.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại các địa bàn, diễn biến phức tạp dịch bệnh trong cộng đồng vẫn xảy ra. Số lượng các ca nhiễm vẫn ở mức cao, tỷ lệ lây lan chưa được khống chế tốt dù ca bệnh nặng đã giảm thiểu. Tất cả đòi hỏi các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh với tinh thần “thích ứng an toàn” phải siết chặt hơn nữa.

Hành khách khai báo y tế trước khi làm thủ tục bay tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Tuyết

Có ba vấn đề cần lưu tâm về phòng dịch hiện nay, để “thích ứng an toàn” thật sự phát huy tác dụng trong công cuộc chống dịch bệnh chung.

Thứ nhất, việc chấp hành các quy định an toàn dịch tễ ở cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn. Dù đa số người dân đã chấp hành động thái đeo khẩu trang, song tại các điểm công cộng, đông người, yêu cầu khoảng cách có dấu hiệu không được tuân thủ tốt. Yêu cầu khai báo y tế, quét mã QR thường xuyên với phần mềm PC-Covid theo quy định chung vẫn chưa được duy trì tích cực. Các điểm kinh doanh buôn bán, giao dịch, sự kiện… không nên có dấu hiệu buông lỏng công tác này.

Thứ hai, việc tuyên truyền người dân chấp hành các khuyến cáo về chăm sóc sức khỏe tại nhà, ngăn ngừa dịch bệnh khi tiếp xúc đông người cần được nâng cao hơn. Nhiều người dân khi có dấu hiệu bất ổn sức khỏe vẫn ngần ngại khai báo với chính quyền cơ sở đã khiến công tác theo dõi, truy vết dịch bệnh bị gián đoạn, có trường hợp trở nặng sau nhiễm dịch bệnh khiến y tế rất vất vả để xử lý. Tâm lý lo sợ ở cộng đồng, nhất là các vùng xã, huyện xa vẫn phổ biến, chưa tạo được tinh thần “sống chung với dịch” ở nhiều cơ sở dân cư.

Thứ ba, nhận thức “bình thường hóa trách nhiệm phòng, chống dịch” ở chính đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước, các cơ quan hành chính cần được cấu trúc lại. Đây là vấn đề mới được đặt ra, trong công tác chống dịch COVID-19, bởi hệ quả ở thời gian trước đây về lộ trình xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn với dịch không thực sự linh hoạt và thích hợp. Các cơ quan chức năng đều cần xác định rõ vai trò tham gia vào công cuộc phòng, chống chung chứ không nên đợi nảy sinh vấn đề liên quan mới đề cập trách nhiệm. Một khi trách nhiệm ngăn ngừa dịch bệnh, xử lý tình hình chỉ tập trung vào đội ngũ tuyến đầu sẽ dễ phát sinh những sự cố truyền thông, sự việc tiêu cực khi ứng xử với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, khi trách nhiệm chung vai không được phân định rõ, nhiều lĩnh vực hoạt động sẽ có tâm lý tránh né, viện cớ… làm trì trệ và sai lệch tinh thần hành động chung. Đặc biệt trong định hướng hỗ trợ người dân, cộng đồng tăng cường ý thức chống dịch, nếu cơ quan chức năng không quyết liệt, tích cực cập nhật tình thế để có giải pháp ứng phó hợp lý, hiệu quả thu được sẽ thấp và “thích ứng an toàn” sẽ khó trở thành tiêu chí hoạt động phòng, chống dịch.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.