Multimedia Đọc Báo in

Để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

08:08, 06/04/2023

Trong những năm qua, Đắk Lắk không ngừng chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN), góp phần hun đúc, bồi đắp truyền thống yêu nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Đây cũng là một trong những mặt công tác, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Bám sát thực tiễn về đối tượng học tập

Để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN, Hội đồng Giáo dục QP&AN các cấp của tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần; năng lực tham mưu của Hội đồng giáo dục QP&AN các cấp từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên, phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị.

Chú trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ các cấp, công chức, viên chức, hằng năm Hội đồng Giáo dục QP&AN các cấp đều mở lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 1, 2, 3 và 4. Riêng năm 2022 có trên 5.200 người tham gia, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Từ các lớp bồi dưỡng đã tạo được chuyển biến nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh theo từng cương vị chức trách đảm nhiệm; đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, biết phân biệt đối tượng, đối tác trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Giáo dục kiến thức quốc phòng cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Tây Nguyên.

Đối với thế hệ trẻ, năm 2022, toàn tỉnh có trên 16.500 học sinh, sinh viên của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, cao đẳng, trường đại học tham gia học giáo dục QP&AN. Ở mỗi cấp học khác nhau, học sinh, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản đầy đủ, dễ hiểu về những vấn đề cốt lõi của việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Văn Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục QP&AN Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, học sinh, sinh viên các trường học là một lực lượng hùng hậu, có sức khỏe, trình độ học vấn, tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, chủ nhân tương lai của đất nước. Chú trọng công tác giáo dục cho đối tượng này, suốt quá trình học, Trung tâm luôn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và trải nghiệm thực tế: giao lưu, nghe kể chuyện truyền thống từ các cựu chiến binh; thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ, nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, thăm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; giao lưu với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn… qua đó, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Đa dạng phương thức tuyên truyền

Công tác giáo dục QP&AN cho toàn dân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc định hướng tư tưởng trong toàn dân và dư luận xã hội. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: Đầu tư xây dựng chương trình, nội dung phù hợp, phương pháp tuyên truyền đa dạng trên đài phát thanh và truyền hình; thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp, lồng ghép phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt…

Các địa phương kết hợp hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các thiết chế văn hóa, tổ chức lễ, hội và sân khấu hóa, công tác giáo dục QP&AN được đưa vào trong các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ. Kiến thức về quốc phòng, an ninh từ đó được ngấm sâu, ngấm lâu vào đời sống nhân dân. 

Học sinh THPT trên địa bàn tỉnh tham gia Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Đối với lực lượng vũ trang tỉnh, thông qua nhiệm vụ làm công tác dân vận tại cơ sở, ngoài việc lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức QP&AN với công tác vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, những năm qua, đơn vị còn duy trì thường xuyên các chuyên mục Quốc phòng toàn dân trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, phối hợp với Báo Đắk Lắk xây dựng chuyên trang Quốc phòng toàn dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, đồng thuận với chính quyền, sẵn sàng đùm bọc, giúp đỡ lực lượng vũ trang, tham gia tích cực, thực hiện tốt nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục đã giúp người dân nhận diện được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó không nghe theo sự lôi kéo, xúi giục, kích động của kẻ xấu, giữ vững an ninh nông thôn ở cơ sở. Nhân dân ngày một nâng  cao ý thức, trách nhiệm trong giáo dục động viên con em thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư; chấp hành nghiêm lệnh động viên quân nhân dự bị và thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc