Sống mãi ký ức hào hùng
Hơn 47 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong.
Vẹn nguyên ký ức
Tháng 8/1969, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Ông Văn Hùng (xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 22, Quân khu 4. Sau huấn luyện 1 năm, ông Hùng được điều vào chiến trường B (chiến trường miền Đông Nam Bộ). Chuyến hành quân kéo dài 3 - 4 tháng do liên tục bị quân địch tập kích, càn quét; vất vả, hiểm nguy càng thôi thúc ông cùng đồng đội thêm quyết tâm phải đánh thắng kẻ thù, giành lại độc lập cho dân tộc.
Cựu chiến binh Ông Văn Hùng (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội ôn lại ký ức thời kháng chiến. |
Cuối năm 1971, ông Hùng đến chiến trường miền Đông Nam Bộ và được biên chế vào Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Còn nhớ, vào một buổi sáng, nhận được lệnh của cấp trên tham gia đánh địch tại khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An), trung đoàn ông dàn trận, sẵn sàng chiến đấu. Bất ngờ, địch kéo 17 chiếc xe bọc thép tiến đến, đạn bắn như mưa. Bị quân địch tập kích, rượt đuổi, được lệnh rút, ông Hùng cùng đồng đội phải chạy nhanh về nơi ẩn nấp. Tiếp theo đó là một trận đánh lớn tại khu vực Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) giáp biên giới Campuchia, địch tổ chức nhiều trận càn quét lớn, liên tục tập kích vào khu vực đại đội của ông Hùng. Trong trận chiến đấu đó, một loạt xe tăng của địch kéo tới, nã pháo, càn quét bất ngờ khiến 70 - 100 chiến sĩ của đại đội hy sinh. Kể đến đây, ông Hùng xúc động không kìm được nước mắt. Sau ngày giải phóng, ông đã nhiều lần về lại chiến trường xưa nhưng vẫn chưa tìm được nơi yên nghỉ của đồng đội. Đó có lẽ là điều khiến ông day dứt nhất cho đến tận bây giờ...
Kết thúc nhiệm vụ, ông Hùng về làm ban quản giáo trại tù tại Biên Hòa (Đồng Nai). Tiếp đó, ông vào thôn Nam Hòa (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) xây dựng kinh tế mới. Tiếp tục phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hùng tích cực tham gia công tác ở địa phương với nhiều cương vị như: cán bộ đội sản xuất Nông trường Cao su 19 tháng 8, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hiệp, xã Dray Bhăng…
Với những đóng góp đó, ông Hùng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Quân Giải phóng hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất…
Người con gái “thép”
Năm 1968, cô gái Phan Thị Lý (SN 1952, quê Nghệ An, hiện trú thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) hơn 16 tuổi viết đơn tình nguyện tham gia Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Phục vụ tại chiến trường Cầu Cấm (TP. Vinh, Nghệ An), đơn vị của bà Lý chịu trách nhiệm mở đường chiến lược, vận chuyển quân trang, trực chiến, chốt giữ những trọng điểm mà địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Bà Lý nhớ lại: “Thuở ấy, máy bay B52 của Mỹ rà soát, dội bom ác liệt nơi đơn vị tôi đóng quân nhằm cắt đứt hết các đoạn giao thông trọng yếu trên đường vận chuyển của quân ta. Nhiều tuyến giao thông bị đứt gãy, tôi cùng các đồng đội vác những hòm đạn nặng 70 - 80 kg mang cho quân ta chiến đấu. Thời điểm ấy, tôi chỉ được 45 kg, được tin báo thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thì vác được bao nhiêu vác chẳng ai cân đếm. Mãi đến sau này, các anh bộ đội nói tôi mới rõ”.
Người con gái "thép" Phan Thị Lý. |
Đến bây giờ nhớ lại, bà vẫn cười tươi: “Đó là khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc, lạc quan và yêu đời nhất. Bao lần vác đạn, bao lần máy bay B52 của địch phát hiện được chỗ ẩn náu, rà rải bom xuống, tiếng nổ vang trời lần lượt như sấm, tôi cùng các đồng đội vẫn thản nhiên thực hiện nhiệm vụ. Mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy khỏe ra và đầy tự hào!”.
Tuy nhiên, nỗi đau khi chứng kiến những chiến sĩ chiến đấu ngoan cường hy sinh như vết dao khứa vào tim bà mỗi khi nhớ lại. Thuở ấy, những lần bị địch rà được nơi ẩn náu, nhiều trận đạn bắn xối xả làm các chiến sĩ bị thương nặng, nhiều người hy sinh. Bà cùng các đồng đội đi bế xác, khiêng các chiến sĩ bị thương về hầm trú ẩn cứu chữa. Tiếng la hét, rên rỉ từ những vết thương ứa máu; hình ảnh các chiến sĩ trút hơi thở cuối cùng gục ngã trên đôi vai mình... nhưng bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Bà xúc động: “Năm tháng có thể trôi đi, thời gian có thể thay đổi nhưng những ký ức ấy không thể phai mờ, mãi khắc ghi trong tâm trí tôi”.
Khánh Huyền – Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc