Multimedia Đọc Báo in

Chuyện xóa địa bàn "trắng" đảng viên ở Cư Bao

08:52, 01/12/2022

Với nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) đã từng bước xóa địa bàn “trắng” đảng viên tại chỗ.

Sâu sát, kịp thời gỡ khó

Là địa bàn có trên 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và trên 71% là người có đạo, Đảng bộ xã Cư Bao gặp nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Trước đây trong số 18 thôn, buôn của xã thì 6 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ và 6 thôn địa bàn Công giáo, hầu hết đều chưa có đủ đảng viên tại chỗ để thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép.

Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2017, Đảng ủy xã đã giải thể Chi bộ cơ quan, tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại các thôn, buôn. Đồng thời, thành lập 4 tổ đảng gồm các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phân công phụ trách các chi bộ. Các tổ đảng xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia sinh hoạt với chi bộ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề xuất với Đảng ủy xã chỉ đạo xử lý kịp thời và hướng dẫn cấp ủy, bí thư nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, tạo nguồn phát triển đảng viên...

Đảng viên Y Khuê Ayun (bên trái) - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Kuăng A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) truyền đạt kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình cho thanh niên trên địa bàn.

Sự quan tâm, sâu sát của các tổ đảng còn góp phần xóa bỏ định kiến của chi bộ về phát triển đảng đối với những quần chúng ưu tú, năng nổ, nhiệt tình, có uy tín, có nguyện vọng phấn đấu nhưng sinh con thứ ba. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Bao Phạm Ngọc Tiên cho biết, mặc dù Quy định 05-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng đã nêu rõ một trong những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình là “Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/1/1989”, nhưng một số chi bộ vẫn giữ định kiến đã sinh con thứ ba thì không xem xét, giới thiệu kết nạp Đảng. Nắm bắt thực trạng này, Đảng ủy xã đã “đả thông” tư tưởng cho cả đồng chí bí thư chi bộ và quần chúng ưu tú, động viên, hướng dẫn viết hồ sơ lý lịch, thẩm tra, trình Ban Thường vụ Thị ủy xem xét. Qua đó, nhiều nhân tố tích cực là người dân tộc thiểu số, từng sinh con thứ ba, có ý chí phấn đấu tốt đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đơn cử như trường hợp của ông Y Khuê Ayun, người có uy tín, Trưởng buôn Kuăng A.

Phát huy vai trò hạt nhân của chi bộ

 

Đảng bộ xã Cư Bao hiện có 28 chi bộ trực thuộc, trong đó có 18 chi bộ thôn, buôn. Đến nay, Đảng bộ xã đã phát triển được 10 đảng viên mới (đạt 100% chỉ tiêu năm 2022); 21 chi bộ có cấp ủy; 100% thôn, buôn đủ đảng viên tại chỗ, đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Cùng với sự sâu sát, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Đảng ủy xã Cư Bao còn chú trọng phát huy vai trò hạt nhân của chi bộ, nhất là đồng chí bí thư chi bộ. Chẳng hạn như Chi bộ thôn Tây Hà 1, từ chỗ chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép, đến nay đã có 4 đảng viên tại chỗ đều là người Công giáo và 1 đảng viên tăng cường.

Bí thư Chi bộ thôn Tây Hà 1 Đỗ Văn Tự cho biết, đa số đồng bào Công giáo đều tích cực phát triển kinh tế, hăng hái tham gia các phong trào của địa phương. Vấn đề của chi bộ là nắm bắt, sàng lọc, phát hiện những người có nguyện vọng, ý chí phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để bồi dưỡng. Chi bộ và đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng ưu tú cần nắm rõ quy định và sâu sát, đồng hành trong quá trình hướng dẫn viết lý lịch đảng viên, thường xuyên gặp gỡ quần chúng ưu tú và gia đình để nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên, khích lệ.

Bí thư Chi bộ thôn Tây Hà 1 (Đảng bộ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) Đỗ Văn Tự (bên trái) thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống của đảng viên trẻ Hoàng Minh Đạt.

Anh Hoàng Minh Đạt là công an viên thôn Tây Hà 1 từ năm 2010. Sau khi lập gia đình năm 2014, anh Đạt vừa tập trung phát triển kinh tế để lo cho hai con nhỏ, vừa hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương. Trong thời gian xã Cư Bao chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, anh Đạt đã tham gia chốt kiểm dịch ở buôn Krum, tuần tra, kiểm soát địa bàn, hỗ trợ người dân vùng cách ly... Năm 2021, anh được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Anh Đạt bày tỏ rằng, trong thời gian viết lý lịch, được cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới, bản thân và gia đình gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Thế nhưng nhờ có sự đồng hành, hướng dẫn, động viên tận tình của chi bộ, nhất là đồng chí bí thư, anh đã vượt qua tất cả để trở thành đảng viên. Vinh dự của một người Công giáo được đứng trong hàng ngũ của Đảng càng thôi thúc anh phấn đấu hơn trong công việc và cuộc sống, tích cực cống hiến cho cộng đồng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.