Multimedia Đọc Báo in

“Gỡ vướng” từ đối thoại trực tiếp với dân

08:25, 28/12/2023

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” (Quy định số 11), người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Qua đó đã phát huy dân chủ, góp phần giải quyết nhiều vấn đề ngay từ cơ sở, hạn chế tối đa việc phát sinh “điểm nóng”.

Đối thoại cụ thể từng vấn đề

Trước tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa người nhận khoán và Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi), tháng 8 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và đại diện các cơ quan liên quan của Trung ương đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người nhận khoán.

Sau khi tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của người nhận khoán, đại diện lãnh đạo Công ty Thắng Lợi và các sở, ngành liên quan đã trả lời cụ thể đối với từng nội dung kiến nghị; phân tích rõ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, hợp đồng nhận khoán và chủ trương sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

Người đứng đầu UBND tỉnh đã khẳng định tiếp tục đề nghị Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện Công ty Thắng Lợi; yêu cầu các sở, ngành, đơn vị đưa ra những giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi, xây dựng đời sống ngày càng ổn định cho công nhân, người nhận khoán… Nhờ vậy, đã tạo sự đồng thuận của người nhận khoán trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đại diện người nhận khoán nêu ý kiến tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với người nhận khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi.

Không chỉ tại Công ty Thắng Lợi, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh đã tổ chức đối thoại với nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhằm kịp thời “gỡ vướng” nhiều vấn đề. Chẳng hạn như: UBND tỉnh tổ chức đối thoại giữa Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk với các hộ dân nhận khoán sản xuất cà phê ở buôn Ea Mấp và các hộ dân đồng bào dân tộc tại chỗ ở buôn Lang (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar); đối thoại trực tiếp với các hộ dân nhận khoán của Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc); đối thoại giải quyết khiếu nại đất đai của công dân tại huyện Ea H'leo…

 

Thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiếp nhận 6.156 đơn, tiếp 4.774 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 4.047 vụ việc; các cơ quan chức năng đã triển khai 58 cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Các vấn đề thời sự, trọng tâm, như: chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, khởi nghiệp, lập nghiệp; sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường; việc thực thi chính sách đối với doanh nghiệp nữ… cũng đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm, tổ chức đối thoại.

Việc tổ chức đối thoại đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, như: sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân, đoàn viên, hội viên địa phương trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo tỉnh, huyện về tận xã, xã đến tận thôn, buôn để thực hiện đối thoại…

Phát huy vai trò, trách nhiệm

Thực hiện Quy định số 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy chế, nội quy về việc Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành rà soát một số kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được nhân dân đồng tình, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa, chế độ chính sách...; xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp; nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác phối hợp, tập trung giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp đất đai, quyền lợi giữa người dân, hộ nhận khoán với các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi đối thoại với người nhận khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi.

Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, bí thư cấp ủy cấp huyện, lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức tiếp công dân định kỳ hằng tháng. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia tiếp công dân định kỳ và hoạt động đối thoại với công dân, tham gia hòa giải cơ sở ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tổ chức tiếp dân, đối thoại với dân đã phát huy quyền làm chủ và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Sau các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã ban hành thông báo kết luận lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý. Người đứng đầu có chỉ đạo sát sườn để các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, góp phần ổn định tình hình và giúp cho nhiệm vụ chung đạt hiệu quả hơn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc