Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình nông dân xã vùng ven

06:50, 01/09/2021

Sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư xuất hiện, nhiều nông dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) rơi vào cảnh khó khăn vì nông sản rớt giá, trong đó có thanh long. Tuy nhiên, thay vì bán thanh long để gỡ lại vốn, với nghĩa cử cao đẹp, họ đồng lòng thu hoạch rồi đem gửi tặng bà con đang gặp khó khăn ở vùng dịch, vùng bị phong tỏa.

Vào những ngày xã Cư Êbur chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chị Lưu Thị Thu Hà (thôn 3, xã Cư Êbur) vẫn đều đặn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đứng ra kêu gọi người dân trong xã ủng hộ, tặng rau củ, lương thực cho các tỉnh miền Nam và nhiều nơi bị phong tỏa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với phương châm ai có gì hỗ trợ đó, từ bao gạo, bó rau, quả bí, đến từng quả trứng... cứ thế, nghĩa cử cao đẹp này lan tỏa dần từ làng trên đến xóm dưới, trở thành một phong trào rộng khắp, nhiều hộ tự nguyện tặng cả vườn trái thanh long đang rộ mùa thu hoạch.

Chị Trần Thị Quỳnh Trúc (thôn 3, xã Cư Êbur) đang hái thanh long để tặng vùng bị phong tỏa (ảnh chụp trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội).

Đơn cử như hộ ông Nguyễn Viết Trung (thôn 3) đã cắt ngay 4 sào thanh long chín mọng đang độ thu hoạch để tặng bà con vùng dịch. Ngoài thanh long, trước đó ông Trung đã thu hoạch một lượng lớn trái cây như bơ, na... gửi các đoàn tình nguyện khác. Ông chia sẻ: “Dịch bệnh ai cũng khó khăn, nhà tôi cũng không dư giả gì, nhưng tôi nghĩ mình giúp được phần nào thì giúp. Vụ rau màu, hay lứa thanh long chín tiếp theo, nếu các khu cách ly, vùng phong tỏa cần thì gia đình tôi lại tiếp tục ủng hộ”.

Tương tự, vườn thanh long nhà chị Trần Thị Quỳnh Trúc (cùng ở thôn 3) được chăm sóc kỹ càng, cho thu khoảng 3 - 4 tạ trái chín mọng. Dịch bệnh khiến trái cây khó tiêu thụ, thậm chí giá rẻ như cho, chị bấm bụng nghĩ bán nguyên vườn chắc cũng bù đắp được một khoản chi phí phân bón, chăm trồng. Vậy mà trước hoàn cảnh khó khăn của người dân vùng phong tỏa, đặc biệt là bà con ở các tỉnh thành phía Nam đang chống chọi với đại dịch, chị quyết định hái tặng cả vườn trái thanh long. Chị bày tỏ: “Tuy cho đi nhưng tôi nhận lại rất nhiều, nhận lại được niềm vui, hạnh phúc khi những trái thanh long tới tay những người trong vùng dịch, mong sao họ ăn uống tốt, nâng cao sức khỏe để chiến thắng đại dịch”.

Các bạn trẻ Đoàn phường Ea Tam đến tận vườn hái thanh long để mang đi tặng (ảnh chụp trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội).

Là một trong những đơn vị đã nhận được các món quà “cây nhà lá vườn” của người dân xã vùng ven Cư Êbur, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn phường Ea Tam cho biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Cư Êbur tặng cả vườn thanh long cho những người đang ở vùng dịch, vùng bị phong tỏa trong tỉnh. Trước đó, một số lượng lớn nông sản như bơ, rau mùng tơi, chuối, trứng gà... cũng đã được bà con gửi vào vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.