Huyện Krông Búk quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động
Huyện Krông Búk có trên 41.600 người trong độ tuổi lao động, chiếm 57% dân số. Với cơ cấu “dân số vàng” này, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm công tác giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Trân, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho hay, hơn 3 năm qua dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân. Trước tình hình này, huyện đã tập trung triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm tạo việc làm cho lao động của địa phương.
Các hoạt động hỗ trợ tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện thường xuyên như: phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm, qua đó tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các tỉnh phía nam và các thị trường lao động nước ngoài. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 1.579 lao động được giải quyết việc làm (đạt 175,9% kế hoạch), trong đó có 73 lao động xuất khẩu; tổ chức 2 lớp đào tạo sơ cấp nghề hàn điện cho 63 lao động nông thôn…
Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện Krông Búk tổ chức dạy nghề hàn điện cho người lao động. |
Cuối tháng 2 vừa qua, UBND huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc năm 2023 thu hút gần 100 lao động, trưởng thôn, buôn các xã: Pơng Drang, Tân Lập, Ea Ngai tham gia. Tại phiên giao dịch, có 4 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 400 người, chủ yếu là lao động phổ thông. Các ngành nghề tuyển dụng chủ yếu là công nhân ngành may, thợ điện, thợ hàn, tài xế, thực tập sinh kỹ năng làm việc tại Nhật Bản… Điểm mới của phiên giao dịch việc làm lần này, ngoài các doanh nghiệp ngoài tỉnh được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu, UBND huyện Krông Búk còn mời các công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện có nhu cầu tuyển dụng tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động.
Có mặt tại phiên giao dịch việc làm năm 2023, Y Niết Ksơr (SN 2000, ở xã Ea Ngai) chủ động tìm hiểu thông tin việc làm của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Đặc biệt, sau khi nghe đại diện Công ty Cổ phần KaChi (Cụm công nghiệp Krông Búk) giới thiệu về nhu cầu tuyển thợ cơ khí, thợ hàn, thợ điện…, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, Y Niết quyết định nộp hồ sơ vào doanh nghiệp này. Trước đây, Y Niết từng là thợ hàn cho một công ty của Singapore ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) nhưng đã thất nghiệp gần 3 tháng. “Có việc làm ổn định, lại làm việc gần nhà thì còn gì bằng. Em rất mừng vì huyện đã quan tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm để lao động địa phương có cơ hội tìm được việc làm”, Y Niết nói.
Lao động huyện Krông Búk được doanh nghiệp tư vấn việc làm. |
Không chỉ giải quyết việc làm trong nước, huyện Krông Búk còn chú trọng công tác xuất khẩu lao động để tìm kiếm việc làm đem lại thu nhập cao cho người lao động. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, hiện số lao động của địa phương đi làm ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… khá nhiều, song lại không đi theo các kênh chính thống mà chủ yếu qua người thân, bạn bè giới thiệu, do đó có tình trạng “tiền mất tật mang”. Để hạn chế tình trạng này, Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ rà soát, tổ chức nắm bắt về nhu cầu xuất khẩu lao động để có phương án tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.
Ông Y Ni Mlô, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, để tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế của địa phương, trong đó định hướng cho người lao động vào các công ty, nhà máy làm công nhân và đi xuất khẩu lao động những thị trường có mức thu nhập cao, ổn định. Khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại...; tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi học nghề, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, huyện Krông Búk còn mở lớp đào tạo nghề, tập trung vào các nghề phổ thông, phù hợp với trình độ của lao động ở nông thôn, lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, quân nhân xuất ngũ… nhằm giúp người lao động trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng làm việc.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc