Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ

14:22, 15/09/2023

Sáng 15/9, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.

Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải.

Dự thảo Quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ gồm 4 chương, 9 điều, quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, gồm: đánh giá, quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm và cho thôi chức vụ đối với cán bộ thuộc quyền quản lý.

Đối tượng áp dụng gồm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các tổ chức, cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương đến cơ sở (Lực lượng vũ trang có quy định riêng).

Về nguyên tắc chung, người đứng đầu phải thực hiện đẩy đủ thẩm quyền, trách nhiệm về các nội dung quản lý cán bộ theo thẩm quyền bảo đảm theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ; nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quy định này đồng bộ, thống nhất và liên thông với các quy định hiện hành về công tác cán bộ; người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện việc đề xuất nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định này nếu chưa nắm chắc được cán bộ; công khai, minh bạch, đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; người đứng đầu phải thể hiện chính kiến bằng văn bản về đề xuất của mình; phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi cán bộ do mình trực tiếp đề xuất bằng văn bản vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật theo thời hạn bầu cử, bổ nhiệm trong nhiệm kỳ do người đứng đầu đề xuất, giới thiệu, kể cả khi người đứng đầu đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

bcvb
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Dự thảo cũng nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá cán bộ, đề xuất quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu đã thảo luận, đề xuất một số nội dung: điều chỉnh tên quy định cho ngắn gọn; bỏ, thay thế, thêm một số cụm từ cho phù hợp; xem xét triển khai thí điểm tại một số địa phương, rút kinh nhiệm và triển khai trên toàn quốc; quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể khi giới thiệu nhân sự; xem xét, làm rõ việc bố trí, chuyển công tác khi người đứng đầu bao che, không cương quyết xử lý nghiêm minh sai phạm của cán bộ cấp dưới, nhất là cán bộ do mình đề xuất, giới thiệu; cần có nội dung quy định cụ thể, tách bạch về trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của tập thể theo từng loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị; xem xét lại nội dung trách nhiệm của người đứng đầu khi cán bộ do mình trực tiếp đề xuất bằng văn bản vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật kể cả khi người đứng đầu đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn thực hiện khi quy định được ban hành…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương cho biết: Các ý kiến phát biểu thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, gắn với thực tiễn và nhiều góc độ trong công tác tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổng hợp, tiếp thu. Khẳng định sự cần thiết ban hành quy định này nhưng đồng chí cũng cho rằng đây là quy định khó để triển khai thực hiện và cần quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu, có cơ chế kiểm soát nhằm tránh tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng thẩm quyền trong công tác cán bộ. Vì vậy, việc triển khai thực hiện rộng rãi hoặc chỉ thí điểm, sơ kết, tổng kết rồi mới nhân rộng sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.