Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc xử lý những công trình “ngủ quên”

12:49, 14/04/2023

Những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng suốt thời gian dài khiến nhiều công trình trên địa bàn huyện Krông Pắc không được đưa vào sử dụng đúng mục đích, hoang phế, xuống cấp, gây lãng phí đất đai.

Nhiều công trình “ngủ quên” hàng thập kỷ!

Được xây dựng và hoàn thành từ năm 2009 song đến nay, công trình Trường Tiểu học Trần Bình Trọng tại khu trung tâm xã Hòa An chưa từng đưa vào sử dụng. Công trình nằm trên khu vực quy hoạch khoảng 2.000 m2 với diện tích đã xây dựng hơn 200m2 gồm 3 phòng học, nhà vệ sinh, giếng và bể chứa nước nhưng lại không có tường rào, sân chơi, đường kết nối với khu dân cư. Sau nhiều năm không sử dụng, công trình đã hư hỏng, xuống cấp và không còn phù hợp với dự án điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm xã hiện nay.

Công trình chợ Thăng Tiến không được sử dụng đúng mục đích gần 30 năm qua.

Công trình chợ Ea Yông (xã Ea Yông) và chợ Thăng Tiến (xã Hòa An) cũng tồn tại gần 30 năm qua nhưng không được khai thác sử dụng đúng mục đích. Hiện trạng của cả hai công trình này chỉ còn khu nhà lồng được người dân tận dụng làm nơi cất giữ rơm cho gia súc, đậu đỗ các loại phương tiện. Khu vực phân lô ki-ốt chợ đã trở thành nhà ở. Quy hoạch chợ cũng không còn phù hợp với nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội nên việc tồn tại công trình đã kéo theo nhiều hệ lụy cho công tác quản lý, sử dụng đất của các địa phương.

 

“Để các công trình kém hiệu quả tồn tại thời gian dài có một phần trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, xử lý. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thẳng thắn nhìn nhận, đưa nội dung này vào sinh hoạt chuyên đề nhằm “tự soi, tự sửa”, tạo sự đồng thuận cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập, vướng mắc, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư và nguồn lực đất đai” - Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến.

Bên cạnh đó, còn có các công trình từng là minh chứng của sự phát triển về kinh tế - xã hội nhưng đã trở nên hoang phế sau thời gian dài không được quan tâm tu bổ, khai thác như công viên Ea Phê (xã Ea Phê), công viên Thắng Lợi (xã Hòa Đông). Trong đó, công viên Ea Phê được xây dựng từ năm 1989 từ nguồn ngân sách xã và đóng góp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Công viên có diện tích hơn 1,6 ha, gồm các công trình tượng đài, hồ nước, cây xanh… được bố trí hài hòa, làm điểm nhấn về cảnh quan cũng như là không gian vui chơi, giải trí của người dân. Còn công viên Thắng Lợi thuộc quản lý của Công ty Cà phê Thắng Lợi cũng có diện tích lên đến hơn 3,5 ha, từng được đầu tư nhiều hạng mục vui chơi, giải trí có giá trị, thu hút rất đông người dân, công nhân nông trường tham quan, vui chơi trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Cả hai công viên này đều tọa lạc trên mặt tiền Quốc lộ 26, chiếm giữ những vị trí “đất vàng” của các xã nhưng đều không sử dụng gần 20 năm qua, các hạng mục công trình đã hư hỏng hoàn toàn, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và bộ mặt của địa phương.

Để không lãng phí đất đai, tài sản đầu tư công

Trước thực trạng nhiều công trình không phát huy hiệu quả sử dụng, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã tổ chức đoàn kiểm tra để tìm hướng giải quyết. Các đơn vị được giao quản lý các công trình trên cũng có báo cáo cụ thể và đề xuất phương án xử lý dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương.

Với chợ Ea Yông và chợ Thăng Tiến, các địa phương đều kiến nghị sớm thanh lý, tháo dỡ công trình chợ lồng vì đã quá cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Đồng thời, do không còn phù hợp với nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội nên UBND các xã đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, thanh lý quyền sử dụng đất để nộp vào ngân sách và trả lại số tiền mà người dân đã nộp. Công trình Trường Tiểu học Trần Bình Trọng cũng được đề nghị thanh lý tài sản và quy hoạch diện tích khuôn viên vào mục đích khác thuộc quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã Hòa An vì nhà trường không có nhu cầu sử dụng địa điểm này. Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu UBND huyện chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng, vướng mắc và đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Ban Thường vụ để giải quyết dứt điểm những bất cập tồn tại lâu nay.

Đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc kiểm tra thực địa tại chợ Ea Yông.

Đối với các công viên, hoa viên trên địa bàn, chủ trương của Huyện ủy là phải cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được sử dụng theo đúng mục đích khu vui chơi, giải trí công cộng. Chính vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy không đồng ý với đề xuất chuyển diện tích công viên Thắng Lợi thành kho, xưởng chế biến nông sản theo đề nghị của Công ty Cà phê Thắng Lợi mà yêu cầu đơn vị này nhanh chóng cải tạo cảnh quan, dỡ bỏ hàng rào và các hạng mục xuống cấp, đảm bảo an toàn để người dân sử dụng làm nơi vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao. Nếu không phát huy hiệu quả đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi và giao về cho địa phương quản lý, chỉnh trang phục vụ nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng giao các đơn vị có liên quan nhanh chóng thống nhất phương án cải tạo công viên Ea Phê, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh, nạo vét lòng hồ để từng bước khôi phục cảnh quan, trả lại không gian xanh, sạch, đẹp cho người dân sử dụng. Mặt khác, UBND huyện cần quan tâm, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để duy trì cảnh quan, phát huy công năng của các hoa viên, công viên trên địa bàn, tạo điểm nhấn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.